Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Nguồn gốc ra đời của Thần Chú Đại Bi - P5

Xem nguồn gốc ra đời của Thần Chú Đại Bi


Nguồn gốc ra đời của Thần Chú Đại Bi - P5

Thần Chú Đại Bi - Đường tắt đến Tịnh Độ


Một Con đường tắt đến Tịnh Độ

Nói đến Thần Chú Đại Bi, nói đến tu tập Thiền định, ta không thể không nói đến Tịnh Độ. Tại sao? Bởi vì chuyện sinh tử là chuyện quan trọng của đời người. Ta nhận thức được rằng kiếp sống thế gian rất ngắn ngủi và ta cũng không muốn luẩn quẩn mãi trong cảnh luân hồi sinh tử cho nên ta tu tập để mong cầu vươn đến một cảnh giới đích thực, vĩnh cữu. Cảnh giới đó có thể mang tên là Niết Bàn. Cảnh giới đó cũng có thể là Tịnh Độ.

Trước hết, khi nói đến Tịnh Độ, Phật tử thường liên tưởng ngay đến một cảnh giới cực lạc. Đó là một cảnh giới lý tưởng, đẹp đẽ, an lành mà bất cứ người con Phật nào cũng thường ước mơ được vãng sanh đến sau khi từ giã cõi đời. Đức Thế Tôn đã tuyên xưng rất nhiều cảnh giới Tịnh Độ trong các kinh sách, mà đặc biệt là cảnh giới Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà. Để đạt đến cảnh giới này, pháp môn Tịnh Độ đặt nền móng tu tập trên ba nguyên tắc căn bản: Tín, Nguyện và Hạnh. Trước hết là lòng tin. Ta tin có sự hiện hữu của cõi Tịnh Độ Tây phương do Đức A Di Đà làm giáo chủ. Tin như thế ta Nguyện sẽ được vãng sanh về cảnh giới này. Nguyện được thể hiện bằng Hạnh qua phương thức trì danh, tức là trong suốt hành trình tu tập của mình ta phải hành trì pháp môn niệm Phật A Di Đà cho đến "nhất tâm bất loạn", thì chắc chắn sẽ được Ngài tiếp dẫn ta về cảnh giới này sau khi ta từ giã cõi đời. 

Một cảnh giới Tịnh Độ khác cũng thường được Đức Thế Tôn nhắc tới đó là cung trời Đâu Suất (Tutsia) của Di Lặc, vị Bồ Tát đã được Phật Thích Ca thọ ký sau này sẽ trở xuống cõi trần thành lập hội Long Hoa và trở thành vị Phật tương lai. Nỗ lực của Ngài là hóa độ quần sanh, biến cõi nhân gian thành Tịnh Độ. Quan niệm Tịnh Độ này rất phù hợp với niềm tin và hạnh nguyện của người tu tập theo pháp hành Thiền Quán Âmbởi tính tích cực của nó. Bắt nguồn từ phương châm "Học Phật đạo, hành Bồ Tát đạo", ta sẽ không bao giờ mong cầu mình được sanh về một thế giới cực lạc, hoặc Niết Bàn cho riêng mình. Đây là thông điệp chính yếu của Thần chú Đại Bi, tiếng Phạn là Maha Karuna, mà Karuna có nghĩa là "ngưng tìm kiếm hạnh phúc". Ta ngưng tìm kiếm hạnh phúc, Niết bàn cho chính ta khi muôn loài chúng sanh chưa hạnh phúc, an lạc, chưa đạt được cảnh giới Niết Bàn, như Đức Di Lặc đã thuyết trong kinh Trang Nghiêm Minh Giác: "Với từ bi ta không trụ nơi cực lạc an bình", có nghĩa là với Đại Từ Bi ta không mưu cầu sự giải thoát cá nhân. 

Như vậy, nếu hiểu Tịnh Độ là pháp môn dựa trên căn bản Tín, Nguyện, Hạnh, thì phương pháp hành Thiền sử dụng Thần Chú Đại Bi cũng không xa lìa pháp môn Tịnh Độ, chỉ khác một điểm nhỏ là thay vì trì tụng danh hiệu Phật A Di Đà, chúng ta trì tụng danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm và Đại Bi Thần Chú. Đến đây, những hành giả bị ảnh hưởng sâu đậm bởi tư tưởng Tịnh Độ -những người thường lo lắng đến hậu sự- chắc chắn sẽ nêu ra câu hỏi: Nhưng rồi sau khi quá vãng, chúng ta, những người tu tập Thiền định -Thiền Quán Âm, nếu không đạt được giác ngộ trong hiện kiếp sẽ vãng sanh về đâu?

Thưa bạn, câu hỏi đặt ra thật đúng lúc, vì quỷ vô thường có thể đến thăm viếng ta bất cứ lúc nào, tốt hơn hết là ta nên chuẩn bị. Tuy nhiên, bạn cũng đừng phí thì giờ để lo nghĩ nhiều đến vấn đền này vì bạn nhớ không, trong kinh Đại Bi, Bồ Tát Quán Thế Âm đã khả hứa với chúng ta rằng những người trì tụng thần chú Đại Bi chắc chắn sau khi chết sẽ không bị rơi vào con đường ác đạo. Những điều Bồ Tát đã hứa là chắc chắn không thể nào thay đổi, có nghĩa là bạn đã biết chắc một điều rằng mình sẽ không bao giờ bị rơi vào con đường ngạ quỹ, địa ngục hay súc sanh.

Như vậy vấn đề còn lại quả thật rất đơn giản: Bạn có quyền tự do lựa chọn cảnh giới Tịnh Độ mà mình mong muốn để được vãng sanh kể cả về Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Tuy nhiên, do noi theo hạnh nguyện cứu khổ cứu nạn của Bồ Tát Quán Thế Âm, người hành Thiền Quán Âm như đã nói ở trên, không phải chỉ mưu cầu giải thoát cho riêng cá nhân mình mà còn muốn bắt tay vào việc cãi thiện xã hội, môi trường, xây dựng một cõi Tịnh Độ nhân gian trên cõi thế, cho muôn loài chúng sanh, trong thời đại mà chúng ta đang sống cho nên gần gũi hơn với Tịnh Độ Di Lặc. Do tính cách tích cực đó, xin được đề nghị thêm với bạn ba cảnh giới sau đây để suy nghĩ và chọn lựa. Sau khi đã có quyết định, bạn phải phát nguyện ngay cùng Bồ Tát Quán Thế Âm để Ngài thọ ký cho và chắc chắn bạn sẽ được Ngài hiện đến tiếp dẫn trước phút lâm chung, hướng dẫn bạn đến cảnh giới mong cầu:

o Tái sanh trở lại cõi trần tiếp tục hành Bồ tát đạo, hoằng pháp lợi sanh, biến cõi nhân gian thành Tịnh Độ.

o Về cảnh giới của Bồ Tát Địa Tạng, tức là xuống cõi địa ngục tiếp tục tu tập cùng Bồ Tát, thực hành công hạnh theo lời nguyện: "Nếu con hướng về cõi địa ngục, địa ngục liền mau tự tiêu tan".

o Về cõi Trời Đâu Suất của Bồ Tát Di Lặc để tiếp tục tu học, cho đến khi nào Bồ Tát giáng trần ta sẽ cùng theo chân Ngài trở lại cõi thế dự hội Long Hoa.


Tuy nhiên, xin được nhắc lại một lần nữa, điều quan trọng nhất là chúng ta hiện đang sống trong cõi thế này, trong giây phút hiện tại này, cho nên công việc trước mắt của người Phật tử chúng ta là phải bắt tay ngay vào việc xây dựng một cõi Tịnh Độ Nhân Gian, tức cũng là cõi Tịnh Độ Di Lặc mà mọi Phật tử đều mong cầu, mơ ước. Đó cũng chính là thông điệp của Thần Chú Đại Bi. 


Xin chắp tay trì tụng và hồi hướng công đức vô lượng của Thần Chú này đến muôn loài chúng sanh... 

Nguồn: tuvisomenh.com