Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Ấn Quang Đại Sư và chuyện linh ứng của thần Chú Đại Bi

Ấn Quang Đại Sư và chuyện linh ứng của thần Chú Đại Bi 

Sự linh ứng của thần chú đại bi
Ấn Quang Đại Sư, một vị cao tăng cận đại ở Trung Hoa, thuở sanh bình, hết sức tự tu và hoằng hóa pháp môn tịnh độ. Thường khóa của ngài ngoài thời niệm Phật chánh thức, lại kiêm trì Chú Đại Bi. Đại sư tu hành tinh tấn, sức từ bi cảm hóa đến hàng dị loại.

Năm Dân quốc thứ 19, ngài trụ ở chùa Báo Quốc, tại Thái Bình, trong tịnh thất, bỗng sanh ra vô số rệp, nhiều cho đến nỗi nó bò lên song cửa, trên mặt bàn. Có mấy vị đệ tử lo nghĩ đại sư già cả, không kham chịu sự quấy nhiễu, đôi ba phen xin vào trong thất dọn bắt. Ngài không cho và bảo : "Việc này chỉ trách mình kém đạo đức mà thôi. Thuở xưa một vị cao tăng cũng bị loài rệp phá rối, chịu không kham, quở bảo nó phải dời đi nơi khác, chúng liền đem nhau bò đi. Nay ta tu trì bất lực, nên không được sự cảm ứng như thế, lại còn nói gì ?"

Rồi đại sư vẫn an nhiên tiếp tục ở, không để ý đến. Ít lâu sau, loài rệp bỗng nhiên tuyệt tích, ngài cũng không nói cho ai biết. Lúc ấy, gần tiết Đoan Ngọ, Đức Sum pháp sư chợt nhớ đến việc trước hỏi thăm, ngài bảo : "đã đi hết từ lâu, không còn con nào nữa". Pháp sư cho là ngài lớn tuổi, mắt mờ yếu nên không thấy, quyết ý xin vào trong xem lại, quả nhiên chúng đã đi đâu hết sạch.

Đại sư thường gia trì Chú Đại Bi vào nước, gạo hoặc tro sạch để cứu những chứng bịnh mà các y sư đều bó tay, hiệu nghiệm lạ lùng. Một ngày, nơi Tàng Kinh Các của chùa phát hiện ra vô số mối trắng, đại sư ở trong thất, nghe nói, liền trì chú vào nước bảo rưới lên chú nguyện, loài mối cũng kéo nhau đi mất.

Những đệ tử ở xa bị bịnh dây dưa không hết, ngài khuyên nên trì chú vào gạo nấu ăn cho đến chừng nào hết bịnh mới thôi. Phương pháp đó gọi là Đại Bi Phạn. Cách nấu cơm, theo đại sư, nên khéo nấu gạo nước cho vừa chừng, đừng đổ nước nhiều rồi chắt ra, vì như thế đã hao củi lại mất chất bổ trong cơm, làm phí phạm của tiền mà tổn phước. Thuở còn nhỏ, ngài hay đau yếu, có người giỏi về tướng pháp cho rằng chỉ thọ đến 38 tuổi là cùng. Nhưng sau đại sư sống khoẻ mạnh đến 80 tuổi mới vãng sanh.